Sunday, June 3, 2012

Thời buổi này...


Đọc báo sợ nhất là đọc tin về xã hội hiện nay. Mỗi ngày mở báo ra đọc là lại thấy giá cục vàng cục đất tăng, giá đô la không ổn định, giá cái này cái kia trồi sụt còn nhanh hơn đi chơi thú nhún. Nhưng đó vẫn là điều dễ thở với một đứa như mình. Điều khó thở nhất là đọc những bài về cuộc sống nghèo khổ tưởng sẽ hiếm thấy trong cái thành phố xa hoa này. Mà trong đó những nhân vật mưu sinh lam lũ khi được phỏng vấn thì không bao giờ quên thả những lời này vào tiếng thở dài : “Thời buổi này…”

Giống như người ta buộc một sợi neo khắc chữ  “Thời buổi này…” rồi thả một cái rầm vào chân. Tự nhiên hết muốn coi báo. Không phải vì sợ, mà vì thấy lo, thấy lạ.


Thường những ai nhắc đến “thời buổi này…” là những người nghiệm ra được nhiều thứ, chắc hẳn đã phải mất mát nhiều thứ từ trước. Ví dụ như mẹ, cho bạn mượn tiền bị người ta quịt, đi chợ bị người ta cân thiếu, đi đổ xăng bị người ta đổ lừa, đi xe bị giật dây chuyền… rồi từ đó về sau hay thở dài, rằng thời buổi này thì tin được ai. Ví dụ như bạn, sinh viên nghèo lên thành phố học, khó khăn đủ đường, rồi hay bảo thời buổi này cái gì cũng tăng. Ví dụ như anh hàng xóm, nhận việc chưa được 2 tháng đã bị sa thải, rồi mỗi lần cầm tờ xin việc mới lại lo lắng, rằng thời buổi này kiếm việc làm khó lắm…

Thời buổi này thế này, thời buổi này thế kia…Hình như “thời buổi này” đã là một cụm từ của những người thất bại hoặc mất mát. Nên mỗi lần ra đường cứ hay nghe mẹ bảo “nhớ cẩn thận, thời buổi này…”,  đi mua đồ bạn nhắc “nhớ coi chừng giỏ, thời buổi này…” . Những lời khuyên từ những người mất mát chắc luôn bắt đầu như thế.

Tự nhiên có một suy nghĩ rất buồn cười thế này. An Dương Vương ngày xưa trước khi gả Mị Châu cho Trọng Thủy chắc cũng nói : “Con gái lấy chồng cẩn thận.Thời buổi này tin được ai”. Tùy tùng của vua Lê Thái Tông khi đi qua vườn Lệ Chi hẳn cũng đã dặn “ nhà vua coi chừng ba cái trái cây. Thời buổi này trái cây ghê lắm”. Quân hồng thập tự của Hitler cứ nhủ tai lão tướng : “thời buổi này ai đánh lại Đức đâu nè” . Tướng de Castries cứ nghĩ rằng “thời buổi này thằng nào dám đánh Điện Biên Phủ ?” . Cô gái đồng nghiệp của mình luôn được dặn rằng  “thời buổi này tình yêu chân chính không có cửa đâu. Huống chi mày là người thứ ba…”

Nếu nghĩ theo hướng như vậy thì “thời buổi này” đã là một cái bệnh mang tính dân tộc truyền đời mà hình như dân tộc nào cũng có và đời nào cũng mang. Để tự nhiên người ta sống bớt chân thật, bớt thoải mái hơn. Để tự nhiên ra đường làm cái gì cũng phải dè chừng. Trong đầu không ngừng bay ra câu hỏi “thời buổi này phải né cái gì, tránh cái chi..”

Nhưng thật ra An Dương Vương cũng mất nước. Mị Châu vẫn mù quáng về tình yêu. Vua Lê Thái Tông cũng dại miệng ăn vải rồi chết. Hitler vẫn phải tự sát. Tướng de Castries vẫn mất Điện Biên Phủ. Mẹ mình ra đường vẫn bị người ta gạt và cô gái đồng nghiệp của mình chiều nay vẫn khóc vì đã phải ra đi dưới danh nghĩa là người thứ ba trong tình yêu. Tự nhiên muốn buộc miệng chặc lưỡi, uổng công cha công mẹ công thầy bà hồi xưa tới giờ dại biết bao nhiêu đời, dạy biết bao nhiêu bài, tới giờ vẫn còn dại, vẫn còn mất mát. 

Rồi cũng tự nhiên nghĩ tới cảnh sau này dặn con cái ra đường cũng phải đế thêm cái tiếp đầu ngữ “thời buổi này…”.

Thời buổi này riếc rồi đa đoan hết cả.

Mew.
3/06/2012

Saturday, March 3, 2012

Cái gì cũng có thể là cây bút chì


Cái này được vẽ vào thế kỷ thứ 16.



Nếu như bây giờ đã là 5 thế kỷ trôi qua và người phụ nữ này có khả năng già đi thì có lẽ sẽ trông như thế này


Hoặc thật ra thì thời đó y học chưa phát triển. Kiểu như một cơn cảm cúm có thể tiễn người ta về miền cực lạc ngay lập tức ấy. Thì ví dụ một ngày đẹp trời người phụ nữ này bước ra đường. Lúc đó cả thế giới đều biết tên biết mặt và nếu so ra thì cổ sẽ nổi như kiểu Lady Gaga của thể kỷ 16 vậy. Rồi trong một buổi họp fan club cổ sẽ được một fan cuồng ôm vai bá cổ đòi hun tới hun lui . Sau đó về nhà cổ bị lây bệnh cảm xong đùng, 3 ngày sau Gaga của Italia chính thức lên tranh mãi mãi. Thậm chí còn được tạc hình vào bia….


Nhưng mà dĩ nhiên cho tới nay cô này vẫn đẹp. Nhiều thế hệ sinh ra sau cổ nhưng lại đành ra đi trước cổ vì cổ không chơi với thời gian. Vì cổ là tranh.Và vì vậy cổ vẫn đẹp.

Cái gì thành tranh thì tự nhiên thành bất tử. Và người nào không tạo ra được sự bất tử đó thì người đó là bất tài.Và hình như từ đó tới giờ chưa có ai bất tài cả.


Nếu ví kỷ niệm như một bức tranh bất tử thì tất cả tụi mình đều là những danh họa vĩ đại, nhưng lại thiệt thòi nhiều thứ. Vì tụi mình không được dạy cách vẽ ký ức lên giấy. Thế là chúng nằm tất cả ở trong tim tụi mình. Mình nghĩ khi Da Vinci vẽ xong Mona Lisa rồi chắc ông cũng thoải mái lắm, vì tất cả những trăn trở và suy nghĩ của ông đều được vẽ ra ngoài và nằm trên giấy cả rồi. Nhưng tụi mình thiệt thòi nên tụi mình phải vẽ tất cả trở ngược vào tim. Tim mình là một loại giấy rất to nhưng không tốt nên dù mình có vẽ được rất nhiều trong nó nhưng đôi khi nó sẽ lem luốc ra, nó sẽ sờn rách đi, nó sẽ cứa nhiều vào tim. Nó sẽ rất đau.Nhưng tất cả đều bất tử, cả tranh vẽ trên giấy lẫn trong tim. Chỉ khác là cả thế giới đều thấy tranh Da Vinci còn tranh của tụi mình thì vẫn đang nằm ở một viện bảo tàng mà thậm chí cửa vào còn không có. Và ở đó chỉ có tụi mình , ngày ngày ngắm tranh của chính mình.

Vì vậy cái gì cũng có thể là cây bút chì. Cái bàn chải mình đánh răng mỗi sáng, cái ly mình uống nước, cái túi xách mình đi học, cái con đường mình vẫn đi ngang qua, cái con người mình đã từng muốn ở cạnh ,cái bàn tay đã từng muốn nắm thật lâu và cả cái hạnh phúc tưởng thật gần mà vẫn lại thật xa ấy,  tất cả đều là những cây bút chì chuốt sẵn đầu. Để từ đó , từ những thứ nhỏ bé đó mình sẽ vẽ ra cả một hoặc nhiều câu chuyện của quá khứ. Cái quá khứ đó có thể sẽ liên quan tới một hay nhiều người nào đó. Mình sẽ nhìn lại họ rồi nhìn chính mình. Mình sẽ thấy mình khác nhiều quá . Rồi mình sẽ lặng lẽ lồng cho nó một cái khung đẹp và treo ở tại viện bảo tàng nằm trong tim mình. Quá khứ đó sẽ không chết nữa, cũng như người ta chẳng bao giờ để kỷ niệm tàn lụi cả. Dù là quá khứ vui hay kỷ niệm buồn. Con người là vậy đó, những đại danh họa số dách , gan lì và dũng cảm, ngày nào cũng lớn lên, ngày nào cũng vẽ tranh vào tim.


Có những buổi sáng đi ra đường thấy mọi người ôm những khung tranh không biết là đã vẽ gì.Chỉ hi vọng những ký ức họ vẽ ra đủ bình yên để không làm họ rơi nước mắt khi nhìn lại.

Và mong cho họ đủ dũng cảm để xây được cái cửa ở viện bảo tàng của riêng mình.
Để lỡ có ai muốn vào coi, hiểu không…

Danh họa Lee Mew
22 tuổi
Sở hữu một kho bút chì
Nhưng chưa xây được cái cửa nào hết.
Kể cả cửa sổ.

Tuesday, February 14, 2012

Cái giá của việc mình không làm con chó, con mèo...


Mình tin là mọi thứ trên thế giới này ,ở một khoảng thời gian nào đó, đều lớn lên bằng một cách giống nhau. Đó là ăn no rồi lớn.

Suy nghĩ đó đã từng làm cho mình tin là mình và con Ki không khác gì nhau. Mình cũng ăn cơm và con Ki cũng ăn cơm.Mình đi ngủ , con Ki cũng đi ngủ. Và cả mình lẫn con Ki đều lớn phổng phao lên. Lúc đó định nghĩa về “lớn lên” trong mình cũng vô tư như hạt cơm còn dính ở mép mà chưa kịp chùi đi thì mình đã ù chạy đi chơi khắp xóm vậy. 

Rồi tới một ngày mình biết mình không phải là con Ki khi con Ki chỉ ăn thôi mà không thấy lớn nữa. Hoặc nó cũng đang lớn mà mình không thể thấy được. Có lẽ nó lớn ở tiếng sủa, hay cái bộ lông, hay cái sự vụng về chậm chạp, có lẽ thế này , có lẽ thế kia, hay thế này , hay thế kia… Mình không biết con Ki lớn ở chỗ nào nhưng mình biết nó vẫn ăn và vẫn lớn. Còn mình thì cũng ăn và cũng lớn. Nhưng cái lớn của mình lạ lắm. Lạ đến nỗi mình thề nếu có dịp mình sẽ viết quyển sách tên là “Tôi thấy tôi lớn lên lạ lùng lắm”, và sẽ giàu to vì quyển sách ấy.


Sự lớn lên coi vậy mà đáng sợ. Nó như một cuộc chạy đua giữa cơ thể và trái tim. Sẽ rất may mắn nếu cơ thể bạn lớn lên cùng trái tim bạn, tâm hồn bạn. Nghĩa là bạn hiểu bạn đang lớn lên, bạn hiểu bạn sẽ va chạm điều gì, đón nhận điều gì. Bạn có thể liệt kê một danh sách dài những thứ bạn sẽ trải qua khi lớn lên và bạn xử lý nó như một cái máy tính xử lý thông tin. Lúc đó đời bạn đơn giản như một bài toán cấp 1 thôi. Còn sẽ tội lắm cho những người cơ thể ở tuổi 22 mà trái tim chỉ đang ở tuổi 12. Lúc đó, một là bạn sẽ vô tư (đến vô tâm) như một đứa con nít. Hai là bạn sẽ đa cảm đến mức nhạy cảm. Lúc đó (sao mình viết chữ “lúc đó” hoài nhỉ) chỉ một cơn gió thổi qua bạn thôi là bạn có thể dựng nên một cảnh phim ướt át dài 45 phút, đủ làm phim bộ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Cẩm Xuyến….v..v..

Sư đa cảm với nỗi buồn và nỗi sợ giống như anh em sinh ba được nuôi bởi sự lớn lên vậy. Và sự lớn lên nào cũng có một cái giá của nó. Cái giá của nó là lúc mình nhận ra đã qua rồi cái thời mình nằm ngủ trưa trong nhà, con chó nằm ngủ trưa ở ngoài sân. Và gió cứ thổi tuột từ nhà ra ngoài sân. Lúc đó cơn gió vẫn là cơn gió và mình vẫn là con chó. Ý là , nằm ngủ vô tư như con chó, con mèo.

.

Có buổi chiều ngồi sau lưng chị chạy trên một trời đầy gió. Cơn gió khi đó không là cơn gió nữa. Rồi chị quay lại nói nhỏ : “Buồn quá em à, tụi mình lớn rồi…”. Tự nhiên nghe mà muốn khóc kinh khủng. Cũng ăn no như con chó , con mèo nhưng rồi không thể lớn như nó được nữa. Rồi tự nhiên nhớ quá những buổi trưa của những ngày rất xa xôi rồi, khi vẫn còn được ăn no rồi lăn ra ngủ như con chó con mèo, rồi tự nhiên lớn, như con chó con mèo, một cách vô tư.

.

Lớn rồi, con chó con mèo ơi, lớn rồi…

Mew.

P.s : Mình sẽ đề cập tới cái giá của việc mình không làm con chó, con mèo trong quyển “Tôi thấy tôi lớn lên lạ lùng lắm” mà mình chưa chắc sẽ viết sau này. Nếu mọi người có thấy quyển đó sau này thì nhớ mua nha.

Sunday, February 5, 2012

Tình yêu không phải là thứ gì đó quá to tát.


Mình nghĩ tình yêu cũng không phải là thứ gì đó quá to tát.

Nó không như trúng số độc đắc. Người ta sẽ cầm tờ vé số mà gào thét bằng đủ thứ ngôn ngữ và động tác từ dễ thương tới khó ưa nhất. Họ sẽ ngồi lì ở nhà để may một cái túi 3 chục gang mang đi đựng tiền. Người ta sẽ đứng ở một thứ hạng khác của xã hội, được gọi bằng “ông” này “bà” kia thay vì “thằng” này “nhỏ” kia, chỉ vì một tờ trúng số độc đắc, chỉ vì đột nhiên có quá nhiều tiền. Điều đó thật là to tát.

Nó cũng không như đi bão đá banh. Người ta sẽ cầm cờ, chen chúc nhau trong làn xe với mong muốn được rồ ga lên 60 cây số giờ. Người ta sẽ mặc đồ (hoặc không) có in hình cầu thủ này trái bóng nọ. Người ta sẽ cùng nhau gào (chứ không phải hát) một giai điệu thể thao bất hủ nào đó. Người ta sẽ giơ cao những chiếc cúp bằng mút nhưng sức nặng họ đang cảm thấy là có thật. Vì cả đất nước đang có một niềm tự hào. Vì đó là niềm tự hào Tổ Quốc. Điều đó thật là to tát.

Nó cũng không giống việc có một đầu đạn hạt nhân được phóng thử, một chất phóng xạ bị rò rỉ, một quả núi lửa đang tỉnh giấc hay gần hơn là một cơn lũ vừa tràn về miền Trung. Những sự kiện viết tên ra chưa tới 10 chữ nhưng sẽ là nỗi sợ hãi dài hơn 10 năm cho người ta.

Kiểu như tình yêu là một thứ nguyên liệu làm bánh quá đỏng đảnh tới mức chẳng có thứ nguyên liệu thay thế nào. Không thể là trúng số, không thể là đi bão, cũng không thể là hạt nhân, phóng xạ, núi lửa hay lũ lụt. Nó chỉ có thể là tình yêu thôi.

Tình yêu không phải là thứ gì đó quá to tát. Nhưng nó lại là một cái tát rất to.

Một cái tát xiểng niểng đầu óc người ta ý. Sẽ thật kinh khủng khi mỗi sáng tỉnh dậy,nhận ra mình đang có một tình yêu, thế là ăn tát. Ngồi trên xe máy nghe một bản tình ca trên Ipod, thế là ăn tát. Ngồi trong lớp học ít nhiều không thể tập trung học được, đầu thì dính vào bảng mà óc thì dính vào một cái khuôn mặt ở xa xôi nào đó, thế là ăn tát. Kì cục vậy đó, ngủ trưa nằm mơ cũng ăn tát. Chiều đi học về tắm một cái cũng ăn tát. Tối phơi đồ trên ban công gió se lạnh, cũng bị ăn tát. Điều đó chẳng hề to tát với xã hội vì chẳng ảnh hưởng gì tới mọi người. Mọi người vẫn tỉnh, chỉ có mình lúc đó là người mê. Mê gì không mê, lại mê những cái tát.

Vậy nên toàn xã hội , mình nghĩ, lúc đó sẽ có thêm một chuyện to tát để nghĩ rằng tại sao tình yêu không hề to tát nhưng lại khiến ai cũng trở thành những người trúng số. Tại sao nó không hề to tát nhưng lại khiến ai cũng muốn mặc đồ (hoặc không) có in hình người yêu mình , phóng ga 60 cây số giờ và gào lên một giai điệu tình yêu sến lụi. Tại sao nó không hề to tát nhưng ai bị nó tát cũng trở thành thương binh nhiễm phóng xạ hạng từ rất nặng tới hết chữa. Tại sao vậy hả trời ?

.

Thật ra sáng nay khi mình thức dậy và bị tình yêu tát cho vài bợp tỉnh cả ngủ thì đã vội vã bơm căng tình yêu lên thành một trái bong bóng rất to rồi gọi nó là chuyện to tát.

Và trên đường đi sáng nay hình như ai cũng mang theo một trái bong bóng rất to đó bên người.

Và điều đó cũng thật là to tát.

-------

Mew
5.2.12

Sunday, January 29, 2012

Sẽ tới một ngày chúng ta cùng trồng cây !

Chắc là sẽ viết ở đây luôn. Facebook quá tệ bạc khi không hiện note ở timeline nữa. Không phải vì người ta ham like và comment, người ta chỉ ham cái cảm giác người khác quan tâm tới con chữ của mình. Bây giờ note không được ai đọc nữa, thì người ta viết để làm gì. Nên có lẽ cứ để Facebook là một cái chợ , còn ở đây sẽ là một cái chùa. Ai thật sự muốn đọc sẽ tìm vào đây. 


Thật ra nói cái chùa cho trang nghiêm vậy chứ “sư trụ trì” ở đây cũng dở hơi bỏ xừ. Nên nhiều khi Facebook lại là cái chùa còn ở đây hẻo lánh vậy nhưng là một cái chợ xô bồ lắm. Haha. 


… 


Hình như người ta càng lớn lại càng thực tế hơn nhỉ. Kiểu như khoảng 6 mùa xuân trước người ta sẽ nhìn mùa xuân là một đám mây đẹp, một cánh hoa thơm, một cái gì đó huyễn hoặc, mơ hồ , nồng nàn và khó nắm bắt. Hình như tuổi trẻ rất thích chơi với những gì huyễn hoặc. Nó giống cảm giác cứa một nhát dao lam vào tay rồi nhìn máu chảy ra vậy. Mình không hoàn toàn đồng tình với chuyện đó nhưng mình nghĩ mình có thể hiểu được vì sao họ làm vậy. Chỉ vì họ thích những thứ cảm giác mơ hồ, nghiệt ngã. Vì họ trẻ và họ thích phiêu lưu với chính cảm xúc của mình. Ừ, vì họ trẻ. 


Những gốc cây non dọc đại lộ Đông Tây bây giờ đã lớn thành những cây thanh niên, thiếu niên. Rồi một ít thời gian nữa nó sẽ lớn thành những cây chú cây bác. 


Đây là một cái cây mình đang nuôi trồng.
Mình thật sự nghĩ sẽ tới một lúc nào đó khi chúng ta lớn, chúng ta sẽ nuôi những câu chuyện của mình như nuôi một cái cây vậy. 6 mùa xuân trước những chuyện tình cảm với mình giống như một chùm khói vô cùng mộng mị và có thể làm đau mình một cách hoàn toàn vô thức, cũng như việc tuổi trẻ của mình sẽ thổi phồng nó lên và gán cho nó nhiều tên gọi, nhiều cảm xúc. Nó đã là một đứa con nuôi vô cùng khó nhọc khi không biết nó sẽ lớn như thế nào và trông ra làm sao. Lúc ấy mình đã là một “ông bố” vô cùng thiếu kiến thức nuôi con. 


Mình nghĩ tới bây giờ và mai sau mình vẫn sẽ là một ông bố thiếu kiến thức nuôi con. Hoặc nếu có may mắn thì trong quá trình lớn lên từng ngày của mình, những đứa con sinh ra từ mơ mộng của mình sẽ biến thành những cái cây non như trên đại lộ Đông Tây ấy. Để lúc đó mình sẽ biến thành một người làm vườn thật chân phương. Rồi người làm vườn ấy sẽ điềm tĩnh và kiên nhẫn nuôi những cái cây bé tẹo ấy thành những cây chú, cây bác. Cũng sẽ có những tai nạn như cây có sâu, cây lá héo, lá vàng, đủ thứ bệnh sinh học khác. Nhưng lúc đó nó sẽ hiện hữu và thật hơn bao giờ hết. Và với những người đã lớn, việc đối xử với suy nghĩ của mình như đối xử với một cái cây, có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Ít ra là dễ hơn việc tìm cảm giác mơ hồ từ những thứ khó nắm bắt…. 


Thật ra nói dông dài vậy thôi, tóm lại mình tin sẽ tới một ngày chúng ta buông dao lam xuống và bắt đầu trồng những cái cây với những cảm xúc rất thật và rất giản dị. Lúc đó ta biết mình bao dung hết cho tất cả, và đời tự nhiên bớt đi trăm ký lô để nhẹ như lông hồng… 


Tết 2012. 
Mew.