Sunday, June 3, 2012

Thời buổi này...


Đọc báo sợ nhất là đọc tin về xã hội hiện nay. Mỗi ngày mở báo ra đọc là lại thấy giá cục vàng cục đất tăng, giá đô la không ổn định, giá cái này cái kia trồi sụt còn nhanh hơn đi chơi thú nhún. Nhưng đó vẫn là điều dễ thở với một đứa như mình. Điều khó thở nhất là đọc những bài về cuộc sống nghèo khổ tưởng sẽ hiếm thấy trong cái thành phố xa hoa này. Mà trong đó những nhân vật mưu sinh lam lũ khi được phỏng vấn thì không bao giờ quên thả những lời này vào tiếng thở dài : “Thời buổi này…”

Giống như người ta buộc một sợi neo khắc chữ  “Thời buổi này…” rồi thả một cái rầm vào chân. Tự nhiên hết muốn coi báo. Không phải vì sợ, mà vì thấy lo, thấy lạ.


Thường những ai nhắc đến “thời buổi này…” là những người nghiệm ra được nhiều thứ, chắc hẳn đã phải mất mát nhiều thứ từ trước. Ví dụ như mẹ, cho bạn mượn tiền bị người ta quịt, đi chợ bị người ta cân thiếu, đi đổ xăng bị người ta đổ lừa, đi xe bị giật dây chuyền… rồi từ đó về sau hay thở dài, rằng thời buổi này thì tin được ai. Ví dụ như bạn, sinh viên nghèo lên thành phố học, khó khăn đủ đường, rồi hay bảo thời buổi này cái gì cũng tăng. Ví dụ như anh hàng xóm, nhận việc chưa được 2 tháng đã bị sa thải, rồi mỗi lần cầm tờ xin việc mới lại lo lắng, rằng thời buổi này kiếm việc làm khó lắm…

Thời buổi này thế này, thời buổi này thế kia…Hình như “thời buổi này” đã là một cụm từ của những người thất bại hoặc mất mát. Nên mỗi lần ra đường cứ hay nghe mẹ bảo “nhớ cẩn thận, thời buổi này…”,  đi mua đồ bạn nhắc “nhớ coi chừng giỏ, thời buổi này…” . Những lời khuyên từ những người mất mát chắc luôn bắt đầu như thế.

Tự nhiên có một suy nghĩ rất buồn cười thế này. An Dương Vương ngày xưa trước khi gả Mị Châu cho Trọng Thủy chắc cũng nói : “Con gái lấy chồng cẩn thận.Thời buổi này tin được ai”. Tùy tùng của vua Lê Thái Tông khi đi qua vườn Lệ Chi hẳn cũng đã dặn “ nhà vua coi chừng ba cái trái cây. Thời buổi này trái cây ghê lắm”. Quân hồng thập tự của Hitler cứ nhủ tai lão tướng : “thời buổi này ai đánh lại Đức đâu nè” . Tướng de Castries cứ nghĩ rằng “thời buổi này thằng nào dám đánh Điện Biên Phủ ?” . Cô gái đồng nghiệp của mình luôn được dặn rằng  “thời buổi này tình yêu chân chính không có cửa đâu. Huống chi mày là người thứ ba…”

Nếu nghĩ theo hướng như vậy thì “thời buổi này” đã là một cái bệnh mang tính dân tộc truyền đời mà hình như dân tộc nào cũng có và đời nào cũng mang. Để tự nhiên người ta sống bớt chân thật, bớt thoải mái hơn. Để tự nhiên ra đường làm cái gì cũng phải dè chừng. Trong đầu không ngừng bay ra câu hỏi “thời buổi này phải né cái gì, tránh cái chi..”

Nhưng thật ra An Dương Vương cũng mất nước. Mị Châu vẫn mù quáng về tình yêu. Vua Lê Thái Tông cũng dại miệng ăn vải rồi chết. Hitler vẫn phải tự sát. Tướng de Castries vẫn mất Điện Biên Phủ. Mẹ mình ra đường vẫn bị người ta gạt và cô gái đồng nghiệp của mình chiều nay vẫn khóc vì đã phải ra đi dưới danh nghĩa là người thứ ba trong tình yêu. Tự nhiên muốn buộc miệng chặc lưỡi, uổng công cha công mẹ công thầy bà hồi xưa tới giờ dại biết bao nhiêu đời, dạy biết bao nhiêu bài, tới giờ vẫn còn dại, vẫn còn mất mát. 

Rồi cũng tự nhiên nghĩ tới cảnh sau này dặn con cái ra đường cũng phải đế thêm cái tiếp đầu ngữ “thời buổi này…”.

Thời buổi này riếc rồi đa đoan hết cả.

Mew.
3/06/2012

1 comment:

  1. Tính ra thì thời buổi nào cũng có cái lo của thời buổi đó anh ạh. Cái chính là con người, chứ không phải thời buổi. Như xem Midnight in Paris, các nhân vật chính cứ chán chường cái cảnh của "thời buổi này..." rồi cứ đi về quá khứ, nhưng được một thời gian rồi cái quá khứ đó cũng bị cảnh giác "thời buổi này...", thế là lại lùi thêm một bước nữa vế quá khứ xem hồi xưa nó huy hoàng hơn "thơi buổi này" như nào. Rồi cứ đi miết, đi mãi như thế, thực ra cũng có tìm được cái bình yên đâu. Nói chung là không đổ thừa cho thời buổi được, anh nhỉ?

    ReplyDelete